Hạnh phúc sau khi nhổ sạch hết khổ đau

Mong quý vị đạo hữu an lạc đọc chậm rãi và tận tình nơi đây để tìm thấy con đường thoát luân hồi, khổ đau, tham sân si ...

 Khi nói đến an lạc, trước phải nói đến đau khổ. Nếu nói an lạc suông, quí vị lại tưởng là mình thảnh thơi lắm, rồi không cố gắng tu hành. Nếu biết được nguồn gốc đau khổ, mình nhổ phăng bứt gốc bứt rễ nó lên thì an lạc sẽ đến, an lạc thật sự.

 Tất cả Phật tử chúng ta là con Phật phải nhìn thấy đúng như cái nhìn cái thấy của đức Phật. Sau khi giác ngộ rồi, đức Phật thấy rõ được bản chất của con người như thế nào, Ngài đem ra chỉ dạy để chúng ta thức tỉnh biết rõ được con người mình.

 Khi biết rõ được con người mình thì chúng ta mới biết làm sao để hết khổ và làm sao để đến an lạc thật sự, đó là gốc của sự tu. Nếu chúng ta không biết bản chất của mình là vui hay khổ cứ sống lây lất qua ngày, đua đòi theo những hình thức vật chất, chúng ta phải tạo nghiệp thọ khổ, chẳng những đời này mà còn kéo dài không biết bao nhiêu kiếp nữa. Vì lòng từ bi, đức Phật muốn cho mọi người hết khổ, nên trước tiên Ngài chỉ rõ nguồn gốc đau khổ. Thấy được nó, chúng ta mới có thể đào bới nó lên được. Nếu không thấy nó, chúng ta muốn cầu vui mà cái vui không bao giờ đến, vì chúng ta có biết cái khổ đâu mà bới lên. Thành ra muốn vui mà con người cứ khổ, cái khổ cứ tràn tới mãi mãi. Chính con người ở thế gian đang là như vậy, lúc nào cũng chúc mừng nhau năm mới được an vui hạnh phúc, nhưng đến cuối năm quí vị thấy có an vui hạnh phúc không? Luôn luôn chúc nhau an vui hạnh phúc mà kết quả lại không có an vui hạnh phúc chi hết, mà trái lại nhiều khổ đau, nhiều bực bội. Chúc như vậy chỉ là chúc suông thôi!

 Nguồn gốc đau khổ là cái gì?

 Trong đạo Phật, lúc nào đức Phật cũng muốn chỉ cho mọi người thấy được lẽ thật của kiếp sống con người. Chúng ta cứ tìm những điều quanh quẩn bên ngoài mà những điều đó dù chúng ta thấy được lẽ thật của chúng, cũng là lẽ thật bên ngoài thôi; còn bản thân chúng ta chưa biết chưa thấy đó là một khuyết điểm lớn lao. Vì vậy đức Phật nói rõ bản chất của con người là khổ hay vui? - Khổ! Vừa nghe thoáng qua chúng ta cảm thấy bi quan, nhưng đó là sự thật.

 Vì sao bản chất con người là đau khổ?

 Đức Phật dạy đau khổ chia ra hai phần:

 1. Đau khổ do sự cảm thọ.

 2. Đau khổ do lòng tham ái.

 Như vậy chúng ta cần xác định lại kiếp sống con người là đau khổ, chớ không phải là an vui. Đức Phật dạy những đau khổ của con người là do:

 - Sanh - Già - Bệnh - Chết - Ái biệt ly khổ - Oán tắng hội khổ - Cầu bất đắc khổ - Ngũ ấm xí thạnh khổ.

 Chúng ta ở trên thế gian này thật là khổ. Trong cuộc sống quí vị muốn một trăm điều, kết quả được bao nhiêu? Nhiều lắm là hai chục điều thôi tức là có hai chục phần trăm được như ý. Đó là tôi nói ưu đó, có khi còn chưa được như vậy nữa! Còn tám chục phần trăm là bất như ý, tức là không toại nguyện, mà không toại nguyện là đau khổ. Nhìn tổng quát, đức Phật nói cuộc đời con người là đau khổ, sanh là khổ. Đó là cái khổ thứ nhất.

 Già có khổ không? Có ai nói già mà vui đâu! Già thì thân thể yếu gầy bệnh hoạn, rồi răng rụng da nhăn, chân mỏi gối dùn, đi đứng lụm cụm, đủ chuyện phiền hà, nên nói già là khổ.

 Bệnh có vui không? Bệnh là khổ rồi, không ai chối được.

 Còn chết thì sao? Là đại khổ!

 Như vậy thử kiểm lại ở trần gian này, có người nào thoát khỏi sanh lão bệnh tử hay không? Ai cũng sanh ra rồi già đi, ai cũng phải bệnh hoạn rồi cuối cùng là chết. Không một ai thoát khỏi bốn điều này, cho nên nói kiếp người đau khổ là như vậy.

 Đến ái biệt ly: thương mà xa lìa. Những người mình thương rất là thương mà xa lìa, có gì khổ cho bằng! Có người nào khỏi xa lìa thân nhân mình đâu, thân nhất là cha mẹ, vợ chồng, anh em, bạn bè, có lúc cũng phải xa lìa. Như vậy gọi là ái biệt ly khổ. Oán tắng hội khổ: ghét mà gặp mặt nhau cũng khổ. Những người mình không thích, không muốn thấy mặt mà cứ ở ngay trước mắt mình hoài thì làm sao vui được! Cầu bất đắc khổ: mong cầu mà không được như ý cho nên khổ. Cái khổ thứ tám là ngũ ấm xí thạnh khổ. Năm ấm sắc, thọ, tưởng, hành, thức cấu hợp thành thân này, luôn luôn chống đối, bất an cho nên đau khổ.

 Tám điều khổ vừa kể trên, chúng ta đều phải đa mang suốt cuộc đời, không thiếu sót một điều nào. Có ai khỏi sanh già bệnh chết? Có ai không xa lìa người thương, không gặp gỡ người mình ghét? Có ai cầu điều gì được điều nấy đâu? Tám điều khổ của con người là sự thật, không chối cãi được. Đau khổ là một lẽ thật không làm sao tránh được, nó luôn luôn theo dõi ép ngặt khiến chúng ta bất an. Nếu có gượng cười gượng vui, chỉ trong giây lát rồi cũng khổ.

 Tám điều khổ do đâu mà ra? Gốc từ cảm thọ mà ra. Cảm thọ chia ra làm 2 phần:

 1. Cảm thọ sai biệt của sáu căn rồi chấp nê sanh đau khổ.

 2. Cảm thọ do đuổi theo thú vui rồi giành giật sanh đau khổ.

 Vì sao cảm thọ sai biệt của sáu căn gây nên đau khổ?

 Chúng ta ai cũng có sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu căn này có những cảm thọ ngoại cảnh không giống nhau. Thí dụ như mắt chúng ta nhìn thấy sự vật, nếu vị nào có con mắt nghệ thuật, khi nhìn bình hoa đặt trên bàn thì trầm trồ khen hoa trưng đẹp mắt.

 Nhưng 1người khác không có mắt nghệ thuật nhìn mấy nhánh hoa lưa thưa ngả nghiêng không có gì đẹp cả. Người bảo đẹp, người cho là xấu, hai người không đồng ý nhau rồi sanh bực tức tranh cãi. Con mắt xúc chạm với sắc trần, người thấy đẹp, người thấy xấu là do cảm thọ sai biệt mà ra. Như vậy ai đúng? Nếu không ai đúng thì sao lại tranh cãi? Thật là vô lý. Mỗi người có cái thấy không giống nhau. Do cái thấy khác nhau, rồi không đồng ý với nhau nên sanh cãi rầy. Nguyên do là vì chúng ta không có nhận xét đúng đắn.

 >> Thế thì phải làm sao cho hết đau khổ! Chỉ đừng chấp nê là hết đau khổ! Cùng một mùi trái cây tôi ngửi cho là thơm cũng đúng, chị cho là hôi cũng đúng theo thói quen của mỗi người, như vậy hòa nhau, tránh được sự tranh cãi. Cùng một thức ăn chị nếm nghe mặn, tôi nghe lạt, cả hai đều đúng theo thói quen của cả hai, tất nhiên hòa nhau không có tranh cãi v.v… Nếu còn chủ trương sai biệt cho mình là đúng, người là sai, là còn tranh cãi, còn đau khổ. Nhận chịu sự đau khổ là khôn hay không khôn? Quả thật không khôn. Nhưng nếu ai bảo là mình ngu thì mình lại nổi giận lên, có phải là mâu thuẫn không? Nếu còn chấp nê là còn đau khổ.

 Hiểu như vậy rồi, chúng ta phải thông cảm với nhau, bỏ qua tất cả những sự sai biệt để sống hòa thuận với nhau từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Nếu biết chấp nê là sai quấy thì phải mạnh dạn dẹp tự ái đến xin lỗi người, làm hòa với nhau thì cuộc đời sẽ bớt được nhiều đau khổ.

 Những người đến tôi đều than không ai thông cảm với mình hết. Vì chấp sự cảm thọ của mình là đúng thì làm sao có người thông cảm với mình được! Nếu buông tất cả chấp nê thì mọi người đều thông cảm với mình. Chúng ta tu phải biết rõ lẽ thật đó, bỏ tất cả sự chấp nê do cảm thọ sai biệt, thì đau khổ tự dứt. Không phải cầu Phật ban cho điều gì, không phải cầu xin nơi miếu này lăng kia, mà phải biết rõ nguồn gốc của đau khổ là do sự cảm thọ sai biệt của sáu căn, rồi chấp chặt vào đó, rồi tranh đấu, giành giật, hơn thua với nhau, cuối cùng là đau khổ. Biết như vậy chúng ta buông xả tất cả sự chấp nê là chúng ta hết đau khổ.

 Ái cũng là nguồn gốc của khổ đau. Trong nhà Phật, ái chia làm ba thứ:

 1. Ái ngã.

 2. Ái thân thuộc.

 3. Ái sự nghiệp tiền của.

 Ái ngã là khổ. Có ai không tự thương mình đâu, dù mình có xấu đi nữa, con mắt lệch một bên hay lỗ mũi xẹp một chút, mình cũng thương mình. Nếu biết mình đẹp, thì mình càng thương mình hơn nữa, ái ngã chặt hơn nữa. Vì thương mình nên những gì mình muốn mà không được thì khổ.

 Thấy rõ gốc của đau khổ, chúng ta phải làm cách nào nhổ cái gốc đó lên. Trong nhà Phật dạy muốn nhổ gốc của đau khổ, nghĩa là muốn dứt khổ, chúng ta phải thấy rõ bản chất của thọ và ái cho tường tận. Thử hỏi quí vị cảm thọ khổ và cảm thọ vui có thật hay không? Cảm thọ của sáu căn qua rồi mất, đâu có thật! Thí dụ một bài hát thật là hay, khi nghe qua lỗ tai rất là thích thú, nhưng nghe hát qua rồi mất, đâu còn mãi bên tai. Một thức ăn ngon ăn rất vừa miệng, nhưng khi qua lưỡi rồi cũng mất, có còn mãi đâu v.v…

 >> Bản chất của tất cả cảm thọ là vô thường, tức là tạm bợ giả dối. Biết rõ cảm thọ là vô thường giả dối, chúng ta ưng làm tớ đuổi theo nó, hay muốn làm chủ không lệ thuộc vào cảm thọ? Nếu giành được quyền làm chủ cảm thọ thì vui, nếu bị cảm thọ làm chủ thì khổ.

 >> Người Phật tử muốn hết khổ phải thấy rõ bản chất của đau khổ không có thật. Bản chất của đau khổ là ái và thọ, cả hai đều không thật. Càng đuổi theo chúng càng đau khổ thôi. Nếu biết dừng lại, đau khổ sẽ bớt từ từ cho đến một ngày nào chúng ta lìa hẳn nó, không còn đau khổ nữa.

 Trong kinh Kim Cang đức Phật có dạy: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai.” Những gì có tướng đều là vô thường, vô thường là tạm bợ, hư dối. Nếu thấy các tướng không phải tướng là thấy Phật.

 Biết rõ được như vậy, đó là có trí tuệ giác ngộ. Trí tuệ giác ngộ tức là Phật. Thấy rõ như thế là thấy Phật, không phải tìm Phật ở đâu xa. Nếu thấy Phật thì hết khổ.

 * Niềm vui không phải từ bên ngoài đem đến, không phải do sự giàu sang sung sướng lắm tiền nhiều của, mà vui vì biết phá bỏ những mê chấp sai lầm. Buông bỏ những sai lầm, đó là trí tuệ tỉnh giác, đó tức là Phật. Tu theo Phật cốt để giác ngộ. Giác ngộ cho nên không lầm không mê, tức nhiên không khổ. Hết ngu mê là sáng suốt, sáng suốt tức là hết khổ.

phat

 

 Với lòng thành tâm Lá Bồ Đề nguyện cầu cho bản thân và quý vị đạo hữu, bạn bè gần xa nhận thấy được con đường giải thoát chơn chánh, sống đời an lạc, tinh tấn tốt đẹp kiếp người này.

 NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

                                                                                        Tịnh Tuấn sưu tầm(26-09-2012)