Lê Lam - trùm giang hồ trộm thủ lợn đêm 30 Tết (kỳ 1)

300 vụ trộm, một con số quá “ấn tượng” với một cậu bé vừa bước qua tuổi 14. Đây cũng chính là nét khắc họa chân thực nhất về Lê Lam, tướng cướp một thời ngang dọc, gây chiến với giang hồ bản địa và đốt phá trại tị nạn, vượt ngục.

 

Giờ tướng cướp Lê Lam đã rửa tay gác kiếm và bắt đầu trả nợ đời. Mỗi ngày, Lê Lam tự ăn chay niệm phật, tìm đến các mảnh đời bất hạnh, gia cảnh cô đơn nghèo khó, quyên góp tiền ủng hộ, giúp đỡ họ. "Ước mơ lớn nhất của đời tôi là cuối đời mong mình sẽ được thanh thản. Những năm tháng ngang dọc trong xã hội, có hối hận đến bao nhiêu cũng không đủ để tôi có thể trả nợ hết được với người dân mà mình đã ra tay hành xử tàn độc".

Giang hồ từ thuở “vắt mũi chưa sạch”

Lê Lam (SN 1964), sinh ra và lớn lên ở vùng biển nghèo ở thôn Lam Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Khi lớn lên, bỏ dở học giữa chừng, Lam ở nhà phụ giúp cha mẹ. Cũng chính từ đây, hắn bắt đầu nổi danh khắp đầu thôn cuối xóm bởi nhiều phi vụ trộm cắp. Thời ấy, dân làng mỗi khi nhắc đến thằng Lam “cù nhách” đều phải e dè và không ngừng chửi rủa thậm tệ. Bởi, trong mắt dân làng chài, Lê Lam dường như là một tên quái thai thì đúng hơn. Dáng người nhỏ con nhưng được cái trời phú cho hắn độ lì lợm, liều lĩnh thì đám bạn chăn bò hơn tuổi không thằng nào đọ lại được.

Nhà vốn nghèo, cha mẹ chạy ăn từng bữa nhưng hắn thì không bao giờ phải lo đến cái bụng của mình. Mỗi khi đói khát, Lam cầm đầu nhóm bạn cùng thôn ra đồng đào trộm tất cả những thứ gì do dân làng trồng như khoai, sắn, ngô để lấp đầy cái bụng. Nếu bị ai đó phát hiện, đuổi đánh hoặc đến nhà phản ánh với cha mẹ thì lập tức hôm sau, diện tích hoa màu của chủ nhân bị Lam và đám choai choai rình mò đêm xuống, kéo nhau ra phá hoại.

Vì thế, dân làng đều nuốt hận, cố nhắm mắt bỏ qua, không dám đụng đến “tổ kiến” do Lam cầm đầu. Lớn hơn chút nữa, Lam chuyển sang kế hoạch ăn trộm gà vịt, tổ chức cùng đám bạn chè chén. Nhiều gia đình đứng ngồi không yên. Đêm xuống nhà nào cũng đóng cửa cài then thật chặt, tất cả gia cầm chăn nuôi đều được cất giấu cẩn thận. Vậy nhưng, dù cảnh giác đến cao độ thì Lê Lam vẫn chỉ đạo đàn em tìm mọi cách chui rúc, luồn lách và thực hiện được rất nhiều vụ trộm táo bạo.

Đặc biệt, hắn đã biết nghĩ đến phương thức ăn trộm vật gì có giá trị hơn để đem bán có tiền tiêu xài. Ngoảnh đi, ngoảnh lại hắn cũng chỉ thấy có dầu, lưới và đầu máy tàu thuyền là có giá trị nhất nên bàn tính với cả bọn chuyển nghề. Với độ ranh mãnh của mình, ban ngày Lam vừa đi chăn bò, vừa cho mấy đứa khác do thám tình hình trước.

Lê Lam thời trẻ trong giang hồ

Đêm xuống, tại căn cứ điểm hẹn, cả nhóm kéo nhau xuống khu vực tàu thuyền neo đậu, khuân vác đầu máy, chài lưới và vơ vét dầu Diesel. Sáng ra, dân chài hoảng loạn, gào khóc thảm thiết vì mất những tài sản giá trị. Mọi người tập trung đến xem thì hắn cũng có mặt, cười khoái chí, đầy tự mãn. Trộm trót lọt, chính tay Lê Lam lặn lội vận chuyển hàng vào Huế tiêu thụ. Có tiền chia chác, cả bọn lại ăn xài thỏa thê, đứa nào cũng phấn chấn chuẩn bị cho những phi vụ tiếp theo.

Trong các phi vụ trộm, chiến tích đáng kể nhất mà cả bọn của Lê Lam hả hê là phi vụ đột nhập vào nhà dân ăn trộm thủ lợn cúng giao thừa để lấy thêm “số má”. Năm đó, 30 Tết, mùi bánh chưng tỏa khói khắp ngóc ngách, mùi thịt thơm phức thì nhà hắn đến cả bếp lửa cũng không thèm đỏ. Cả ngày bụng cồn cào do bữa cơm chiều tất niên chỉ có gốc chuối cha mẹ dọn khiến hắn không sao chịu nổi. Đêm đến, Lam tập hợp tất cả đám du côn lại và quyết tâm phải đột nhập vào nhà nào có của ăn của để nhất thôn để ăn trộm, mừng liên hoan cuối năm.

Lùng sục mãi, cuối cùng cả nhóm cũng để ý thấy một gia đình đang để chiếc thủ heo lợn trên mâm thờ, chuẩn bị cúng gia tiên. Quan sát thấy thời cơ đến, cả nhóm rón rén lại bưng cả mâm rảo bước, đến khi gia chủ quay trở vào thì ngớ người, tìm khắp căn nhà đều mất. Lê Lam cố đứng lại xem thì nghe tiếng gia chủ lầm bầm trong bụng nghi ngờ “tổ tiên” đã bưng mất. Đem câu chuyện về kể lại, cả nhóm cười sặc sụa, tự hào.

Thế nhưng, việc này cuối cùng cũng bại lộ, nhóm của Lê Lam bị công an bắt giữ. Từ đây, Lam khai ra hàng loạt vụ trộm mà mình từng thực hiện. Khi nghe con số thống kê của hắn khai, cán bộ phải giật mình, bởi 300 vụ trộm lớn, nhỏ khác nhau là một điều quá “ấn tượng” với cậu bé còn “vắt mũi chưa sạch”.

Ngày Lam bị bắt và đưa ra xét xử, cả thôn nghèo Lam Khê như mở hội, họ giờ đây đã vơi bớt đi được nỗi lo thường trực bấy lâu luôn đeo bám dân làng. Phiên tòa lần đầu tiên được xét xử lưu động ngay tại xã, có hàng ngàn người dân đến chứng kiến. Lê Lam không chút sợ hãi, khuôn mặt tỏ ra lạnh lùng như bản tính của hắn. Lam may mắn thoát khỏi án tù vì chưa đủ tuổi để truy cứu trách nhiệm hình sự, buộc phải vào Trại giáo dưỡng ở Hòa Vang (Đà Nẵng) để phục hồi nhân phẩm, với thời gian 3 năm. Riêng đồng bọn của hắn thì đều phải nhận án cải tạo. 

Lộ diện trùm giang hồ khét tiếng

Ở Trại giáo dưỡng, tưởng như bản tính lương tri của một đứa con bần nông sẽ đánh thức hắn cố gắng cải tà quy chánh. Vậy nhưng ở đây, gặp nhiều đứa bạn cùng cảnh ngộ “đầu trộm đuôi cướp”, Lê Lam học được nhiều mánh khỏe hơn. Các trò lưu manh, móc túi, Lam nhanh chóng thuộc bài sau vài động tác được chỉ dạy. Điều đó sau này hắn thừa nhận là nhờ có những ngày tháng ăn cơm cải tạo đã giúp hắn hoàn thiện hơn các kỹ năng, bổ sung vào hoạt động giang hồ.

Trước khi tính đến phương án khởi nghiệp khi rời khỏi đây, Lam cũng đã tạo cho mình nhiều chiến tích hơn như đánh bạn học, hoặc cầm đầu nhóm trong Trại quậy phá. Thậm chí, hắn còn bước vào con đường nghiện ngập ma túy. Chất thủ lĩnh của một đại ca thực thụ của Lê Lam đã khiến cho nhiều tay anh chị giang hồ đang hoạt động bên ngoài cũng nghe tiếng.

Vì thế nên mới có giai thoại kể lại, khi mãn hạn cải tạo, trong khi đám bạn có người thân đến đón thì Lê Lam ngược hẳn. Vừa rời chân khỏi cánh cổng, đàn em của Sơn Nam, một đại ca mới nổi ở Đà Nẵng đến đón đem về cho ăn, ở, tiền tiêu xài.

Mang tâm trạng không muốn trở về quê, đối diện với vết gợn đầu đời, Lam quyết định sẽ bám trụ ở Đà Nẵng, một nơi cực kỳ phức tạp những năm cuối thập kỷ 80, đầu quân dưới trướng của Sơn Nam. Băng giang hồ này do Sơn Nam cầm đầu hoạt động nhảy tàu cực kỳ tinh vi và chuyên nghiệp hơn nhưng băng khác, đòi hỏi dân giang hồ phải được huấn luyện, thậm chí phải bỏ tiền ra đầu tư cho cuộc ăn cắp của mình. 

Sau vài tháng được Sơn Nam cho tiền ăn chơi, thỏa mãn cơn nghiện, Lê Lam cảm thấy buồn chán hơn và gõ cửa hỏi đại ca: “Anh xem có việc gì cho thằng em này làm không, chứ ngồi chơi mãi vậy thấy chân tay ngứa ngáy quá”. Thấy Lam có thiện chí, lúc này Sơn Nam mới bắt đầu triển khai huấn luyện những chiêu nhảy tàu đánh tráo vali, móc túi, trộm cắp.

Theo “bài học” chỉ dạy thì băng của Sơn Nam nếu nghi ngờ vali nào của khách có tiền, vàng hay những món đá quý thì lập tức trong nhóm thực hiện phi vụ phải mua một vali giống như vậy và phải ăn mặc tương đối đẹp. Nếu chủ vai là công nhân thì cũng phải ăn mặc tương tự trà trộn vào, để làm xao đánh tráo được vali chứa toàn giấy vụn của mình, đánh đổi vali của khách.

Phi vụ đầu tiên, Lê Lam được đích thân đại ca Sơn Nam dẫn đi, xuất phát từ Ga Đà Nẵng xuôi ra Bắc, mục tiêu là chiếc ba lô của một người làm ăn từ Nam ra Bắc, kiên trì bám theo và dự tính là quyết định “ăn” hàng ở ga Huế (TT-Huế). Ngồi cạnh người đàn ông có chiếc ba lô, là hai người đàn ông lịch sự, cũng mang chiếc ba lô giống hệt. Trong toa tàu, khi người kia ngủ thì người này thức, nhưng bao giờ cũng để mắt đến vị khách đang ngồi bên cạnh. Hai người đàn ông đó chính là Lê Lam và Sơn Nam thủ vai, chiếc ba lô rỗng ruột mang theo là vật dùng để đánh tráo.

Tàu vượt đèo Hải Vân, vị khách kia đã thiu thiu ngủ, khoảng hơn 1 giờ sau thì nổi còi báo hiệu đến Ga Huế. Khi bánh tàu vừa dừng hẳn thì hai vị “khách” nhảy vội xuống toa và biến mất vảo đám đông. Tìm chỗ vắng người mở túi, thấy bên trong chỉ có mấy cái bánh chưng, một vài bộ quần áo cũ, cả hai nhìn nhau tiu nghỉu thất vọng. Đại ca Sơn Nam vỗ vai Lê Lam: “Thôi, hôm nay có bánh, ngày mai sẽ có tiền, và nhiều thứ giá trị khác, không phải vội”, cạp vội mếng bánh, cả hai cùng nhau nhảy tàu về lại Đà Nẵng trong bóng chiều buông.

Một lần khác, đại ca Sơn Nam cử nhóm 6 đứa thực hiện vụ đánh tráo vali của khách khi tàu đến đoạn đèo Hải Vân. Nửa đêm, đoàn tàu lao vun vút, hành khách trên tàu hầu như đã ngủ. Tuy nhiên, hình như do vali chứa nhiều tiền nên chủ nhân của nó dù đêm rất khuya nhưng luôn hướng mắt coi chừng.

Nhóm của Lam vừa đụng nhẹ lập tức đã bị vị khách kia mở mắt, tri hô ngay. Cả bọn sợ công an cơ động trên tàu truy bắt, không còn con đường nào khác là bất chấp hiểm nguy, cả bọn bất chấp tiếng la hét thất thanh, nhốn nháo của toàn bộ hành khách trên tàu, lập tức phi thân lao khỏi tàu. Vì đèo Hải Vân có những đoạn cua nguy hiểm nên 2 đối tượng trong nhóm phải bỏ mạng. 

Lê Lam cũng tận mắt chứng kiến cảnh tượng hãi hùng đó. Sáng hôm sau, cả nhóm còn 4 người lập tức quay trở lại hiện trường tìm kiếm thi thể của bạn nhưng bất lực. Dưới chân đèo dài hun hút, 2 người đồng môn xấu số mãi mãi chìm khuất dưới chân núi đèo Hải Vân. Sau bận này, mỗi khi nghĩ đến, Lam rùng mình và tự hứa sẽ từ bỏ, rời khỏi băng cướp Nam Sơn. Và đây cũng là lần duy nhất trong cuộc đời bươn chải giữa chốn giang hồ sặc mùi khói đạn, đao kiếm, Lê Lam phải cúi mình làm đàn em. Khi đã rút khỏi Đà Nẵng, Lam bắt đầu chuyển địa bàn hoạt động, dần lộ diện là một đại ca thực thụ, khiến nhiều kẻ giang hồ mỗi khi nhắc đến đều rất kiêng nể.

Giang Uyên

Theo Infonet