Trùm bảo kê mại dâm Lê Lam và những cuộc đại náo ở Hong Kong(kỳ 3)

Hành động trấn lột, gây hấn và đốt trại tị nạn của Lê Lam liều lĩnh táo bạo chưa từng xảy ra ở Hong Kong, được báo chí nhiều nước đăng tin. Chính vì thế mà sau này trở về nước, các anh công an ở Hà Nội lắc đầu: "Lê Lam là kẻ phản quốc 2 lần".

 

Đào tẩu, thoát khỏi trại giam trước mặt công an

Lần cuối cùng tung hoành ngoài giang hồ, phải xộ khám vì tội đi ăn trộm bò là nỗi nhục quá ê chề đối với một tướng cướp như Lê Lam. Chưa bao giờ Lê Lam nghĩ đến một ngày nào đó, kẻ từng là ông hoàng bảo kê gái mại dâm, cầm đầu băng cướp ở bến phà Bắc Mỹ Thuận, tiền kiếm được dễ như trở bàn tay, bao nhiêu đàn em nể trọng, ấy vậy mà giờ lại phải tra còng, bổ sung vào bản lý lịch của mình về tội danh “chẳng đẹp chút nào”.

Là một kẻ chuyên vẫy vùng giữa chốn giang hồ, giờ phải thụ án ở trại giam sông Cái (tỉnh Thuận Hải cũ, nay là tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận), đối với Lê Lam là chuỗi ngày dài đằng đẵng. Hắn luôn nôn nóng, khao khát sớm trở lại nên nhiều đêm đau đáu nghĩ cách sớm thoát khỏi chốn lao tù.

Ở trong tù cải tạo được gần 3 năm, Lê Lam phát ngán và quyết định sẽ vượt ngục. Cơ hội đến khi một lần cán bộ trại giam cho hắn và các phạm nhân khác ra ngoài lao động trên đồi mía. Đến lúc ra về, hắn liếc mắt nhìn thấy trước mặt là bãi sông La Ngà, chỉ cần vượt qua được khúc sông này sẽ có thể trở về được với xã hội.

Mang theo ý định đó, trên đường về trại giam, Lê Lam giả vờ đưa tay gãi khắp người, rồi đến lễ phép xin ý kiến cán bộ quản giáo được nhảy xuống tắm rửa. Hắn vừa cất lời thì các phạm nhân khác cũng đồng loạt lên tiếng xin cán bộ được tắm rửa đỡ ngứa ngáy. Thấy hợp lý, mấy cán bộ quản giáo đồng ý và hoàn toàn không hay biết mưu đồ của Lê Lam.

Vừa cởi đồ, hắn ngó nghiêng quan sát trước sau, nhảy tõm xuống sông, chìm trong dòng nước xiết  khiến cán bộ và phạm nhân khác nháo nhác theo dõi, đoán già đoán non hắn bị đuối nước. Mọi người tổ chức lùng sục khắp nơi nhưng bóng dáng của Lê Lam vẫn biệt tăm.

Hóa ra, vốn là dân chài ven biển, hắn có khả năng lặn dài hơi, sau đó tìm đến đám bèo ẩn náu và di chuyển qua bên kia bờ, mon men vào rừng trốn, chờ màn đêm buông xuống sẽ tiếp tục di chuyển. Gần nửa đêm, cảm thấy an toàn, hắn vội chui vào nhà dân, ăn trộm quần áo, thức ăn. Đợi trời gần sáng, giả bộ kiếm bó củi gánh trên lưng, đề phòng trường hợp bị người dân thăm hỏi thì lấy cớ vừa đi rừng về, hắn xuôi theo hướng Quốc lộ bắt xe về quê ở Quảng Trị.

Lê Lam là kẻ rất liều lĩnh khi dám vượt ngục trước mặt công an quản trại

Những năm sống trong giang hồ đã tôi luyện thêm độ tinh ranh của hắn. Bánh xe chưa kịp dừng ở xã thì hắn vội xuống xe, tìm đến một khu vực vắng vẻ, kiên nhẫn đợi chờ màn sương ráo mặt mới dám lần mò về nhà. Sự trở về đường đột của Lê Lam khiến bố mẹ kinh ngạc. Cả hai ông bà gặng hỏi đủ điều về sự có mặt của hắn trong căn nhà bao năm bỏ xứ, hắn chỉ ậm ừ qua chuyện, leo tót lên giường nằm, không quên lời dặn: “Con nhớ nhà, ghé chơi mấy hôm, bố mẹ đừng bảo ai”.

Suốt ngày ăn rồi nằm trong nhà, đêm đến mới dám lò mặt khỏi cửa, hành tung bí ẩn của Lê Lam khiến ông bà nghi ngờ và biết được con mình đã vượt ngục nên hết sức lo ngại. Sự lo lắng ấy càng có cơ sở khi đến đêm thứ 3, đang say giấc ngủ thì hắn bị đánh thức. Đưa tay dụi mắt, hắn tá hỏa khi vây quanh có nhiều đồng chí công an, tay cầm còng số 8.

Biết không thể chạy thoát, hắn khẽ thở dài: “Em chỉ nhớ nhà quá nên muốn về thăm”. Ngay hôm sau công an tỉnh Thuận Hải trực tiếp ra giải về, chấm dứt niềm vui ngắn ngủi của một tên tội phạm vượt ngục, Lê Lam bị phạt tiếp 3 năm tại trại giam Huy Khiêm.

Năm 1988, Lê Lam được đặc xá, ra tù trước thời hạn 6 tháng. Lần này hắn cảm thấy day dứt hơn, nghĩ đến cảnh quê hương nên lập tức khăn gói trở về, trong nỗi lo lắng, sợ hãi của dân làng chài Lam Khê. Trong mắt người dân, ký ức về đứa trẻ 14 tuổi từng thực hiện hơn 300 vụ trộm lớn, nhỏ vẫn còn ám ảnh. Và đặc biệt, sự trở về của hắn với nhiều chiến tích bất hảo lại càng đáng sợ hơn.

Vượt biên, gây chiến với giang hồ hải ngoại, đốt trại tị nạn

Bỗng một ngày Lê Lam đột ngột tuyên bố sẽ cưới vợ, quyết tu chí làm ăn khiến mọi người tròn mắt ngạc nhiên. Không ai nghĩ, thằng “trời đánh thánh vật” ấy cuối cùng cũng đúc rút ra được bài học làm người. Khỏi cần nói, bố mẹ hắn bắt mối ngay với cô gái cùng thôn, ấn định ngày tổ chức đám cưới. Chính quyền sở tại thì mừng thầm vì “con ngựa bất kham” ngày nào, bao năm ăn cơm tù cũng đã lớn khôn. Vậy nhưng, một lần nữa, Lê Lam lại khiến cho mọi người bất ngờ về ý nghĩ táo bạo mà hắn đã ấp ủ trong đầu, đó chính là giả vờ làm “đám cưới” để tìm cách vượt biên.

Năm tháng ở tù, hắn được nghe kể nhiều về dân giang hồ Hải Phòng đang làm ăn tại Hong Kong rất khấm khá. Nuôi mộng làm giàu bằng ý định xuất ngoại hành nghề cướp giật, Lê Lam bàn tính với mấy tên đàn em thân cận thuở bé, vẫn theo hắn đến giờ tìm cách vượt biên. Cả bọn lập tức đồng ý và lên phương án chuẩn bị chuyến hành trình bằng cách đi mua từng can dầu, kết lại thành chùm, rồi đem ra hướng đi buộc đá dìm xuống đó, khi đi sẽ ra kéo lên. Còn lương thực, Lê Lam dự tính, ra khơi sẽ ghé các tàu đánh cá xin, nếu không cho, sẵn sàng cướp.

Lê Lam thời trẻ tại Hong Kong

Lúc này, dù đã tuyên bố hướng thiện nhưng hắn vẫn đang nằm trong tầm quản thúc của chính quyền sở tại nên chiêu thức lập đám cưới giả để tìm cách vượt biên là khả dĩ nhất. Ngày 4/5 một “lễ cưới” nhỏ ở làng chài được tổ chức vắn tắt, đám chỉ có mâm cơm, một vài đĩa hoa quả xem như lấy lệ. Trưa ngày 5/5/1988, khi dân làng đang sum vầy cúng tết Đoan Ngọ, thì đúng 12h trưa, tại bến thuyền làng chài nghèo, con thuyền nhỏ khoảng 12 m dài, 2 mét rộng (thuyền đánh cá), chở theo 15 người từ từ nổ máy ra khơi.

Chuyến xuất ngoại bất ngờ này khiến tất cả mọi người hoàn toàn không hay biết. Con thuyền đánh cá nhỏ chòng chành mang theo khát vọng làm giàu giữa ngàn trùng khơi.

Những con sóng cao như cột nhà va thẳng vào mạn thuyền, làm chao đảo, tưởng như cả đoàn đã phải bỏ mạng. Trên tàu, mười mấy sinh mạng nháo nhác, gào khóc thảm thiết, Lê Lam lăm lăm con dao trong tay, lớn tiếng nạt: “Giờ tất cả phải quân lệnh như sơn, ai không nghe lệnh của tôi thì chém chết, vứt xuống biển. Mọi người nghe đây, vứt tất cả đồ đạc xuống biển, giảm tải cho tàu, đồng thời trói chặt tất cả lại. Nếu có mệnh hệ gì xấu xảy ra, thì chúng ta sẽ được chết chung cùng nhau”.

Khi những trận cuồng phong đi qua, cả đoàn người trên thuyền mới tin mình thoát nạn, mừng quýnh reo lên sung sướng, tiếp tục hành trình vượt biển theo hướng tiến về Hong Kong. Cứ tưởng được đặt chân lên vùng đất giàu có, đầy đủ vật chất nhưng không phải. Thuyền cập bến, hắn và những người dân khác đi trên chuyến tàu được đưa ngay vào trại tị nạn Chimawan.

Hắn ngẫm nghĩ cái “điệp khúc vào tù ra trại” sao có “duyên” với mình đến thế, thôi thì đường nào cũng ở tù, cũng chết, chưa biết phiêu dạt về đâu, thôi cứ đánh liều “xưng vương” ở nước ngoài một lần xem sao. Vốn sẵn máu giang hồ, hắn nhanh chóng nhập băng du đãng ở trại tị nạn Hong Kong. Hàng ngày, hắn và đàn em của mình chuyên tổ chức ăn chặn quà cáp thăm nuôi của những trại viên khác. Ví dụ như quà của người nhà ai đó gửi vào thăm, bọn hắn đều kiểm tra, trấn lột, lấy hết những món lạp xưởng, cá kho, tôm khô, socola...chỉ để lại cho họ muối mè, đậu phộng và những bánh quy rẻ tiền.

Lê Lam chụp ảnh chung với một đại ca ở hải ngoại

Chiến tích của hắn được biết đến nhiều nhất lại là các vụ đánh chém nhau ở tại trại tị nạn Hong Kong. Những vụ nhỏ lẻ thì không sao kể hết nhưng trong đó có một vụ đặc biệt nghiêm trọng. Là đại ca nắm trong tay khoảng vài trăm thằng em, băng Lê Lam đánh nhau với các phe giang hồ bằng gậy gộc, cây sắt, thép là chuyện bình thường.

Đằng này khi hai phe đánh nhau, do tính hung hãn, bùng lên cực độ, hắn đã ra tay đốt trại. Bên ngoài vẫn đâm chém náo loạn, bên trong thì lửa hừng hực cháy lan khắp nơi, trẻ em và phụ nữ la hét thất thanh, tiếng những người mẹ gào khóc thảm thiết: "chết con tôi rồi", làm náo loạn cả khu trại tị nạn. Cảnh sát sở tại không thể can thiệp được mà cũng chẳng có cảnh sát nào dại dột xông vào vì biết bản tính của dân giang hồ khi đã huyết chiến rất lỳ lợm và liều mạng. Chỉ khi đánh nhau xong, cảnh sát mới can thiệp, ai có tội thì bắt bỏ tù, ai bị thương thì đưa lên trực thăng vào viện. Vụ án cực kỳ nghiêm trọng đó có khoảng 300.000 người chứng kiến.

Sau khi gây án tại trại Hồng Kong, hắn bị cảnh sát bắt lên trừng phạt, hăm dọa đủ điều nhưng hắn cũng không sợ. Và một lần nữa, hắn lại nghĩ cách vượt ngục, ăn cắp tàu vượt biển, trôi dạt sang nhiều nước khác, gây nên cuộc huyết chiến đẫm máu ở trại tị nạn Nhật Bản. Hành động liều lĩnh và táo bạo này chưa từng xảy ra ở Hong Kong, báo chí nhiều nước đăng tin. Chính vì thế mà sau này trở về nước, các anh công an ở Hà Nội lắc đầu: "Lê Lam là kẻ phản quốc 2 lần". Nhưng hắn cười trừ: “Mình đâu có làm chính trị, chẳng qua vì muốn kiếm tiền, lại sẵn máu giang hồ nên mới gây nên bao cơ sự”.

Kỳ cuối: Trận huyết chiến đẫm máu tại Nhật và lời sám hối muộn của một tướng cướp

Sự “nổi tiếng” của Lê Lam khiến ông trùm sòng bạc Năm Cam rất kính nể và ngỏ ý giao cho hắn quản lý sòng bạc. Tuy nhiên, sau khi ra trại, trở về Việt Nam, hắn chỉ đôi lần đến xin tiền Năm Cam tiêu xài và lấy cớ từ chối khéo: "Anh Hai cho em tiền nhậu thì em cảm ơn, chứ giờ em cũng không khoái lắm mấy cái sòng bạc. Em quen nhảy tàu, ăn cướp quen rồi". Biết bản tính Lê Lam qua đám đệ tử từng đồn thổi nên Năm Cam cũng không dám giữ lại.

Giang Uyên

Theo Infonet