11 năm mang con đi…“xẻo” thịt

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Phật Tử Tịnh Long:

Nổi khổ người đàn bà 11 năm ngược xuôi dẫn con đi “xẻ” thịt

“Mới 12 tuổi mà nó được đi “du lịch” khắp nơi rồi đó chú, ngay từ khi mới 11 tháng tuổi”, chị Nguyễn Thị Quế (SN: 1963, Vũng Tàu) cay đắng ví câu chuyện 11 năm mang đứa con ngược xuôi đi chữa trị căn bệnh “nhà giàu” với tôi như thế. Mỗi chuyến đi là một lần đứa con trai bị xẻo đi một phần thớ thịt, mà căn bệnh vẫn hoàn vô vọng. Đến nỗi một vị bác sỹ uy tín ở TP. HCM sau khi thấy con chị đã thốt lên một câu: “Bệnh như vầy mà bé vẫn sống được quả là một kỳ tích”.

11 năm mang con đi…“xẻo” thịt

Ngôi nhà chị Nguyễn Thị Quế, thụt sâu vào bên trong mặt lộ cắt qua ấp tổ 8 (ấp Đức Trung, xã Bình Ba, huyện Châu Đức). So với những mái nhà cạnh bên, nhà chị nhỏ, thô sơ, xám màu vàng đất đỏ. Đó là căn nhà cũ kỹ, ọp ẹp xây từ thời Pháp mà gia chủ đang ở ráng. Người ta bảo, chị có thằng con vừa lọt lòng đã biết “ngốn” tiền gia đình, càng lớn nó càng “xẻo” gia đình nhiều hơn, đến nay càng tăng theo cấp số cộng tuổi tác nên nhà chị mới phải “khiêm tốn” như thế. Đó là người ta ví vui thôi, chứ cả xã Bình Ba của huyện Châu Đức ai chẳng hiểu gia cảnh bất hạnh của chị Quế. Chị có đứa con trai là cháu Bùi Nhật Minh Tiến (SN: 2000) ngoan ngoãn, học giỏi bị bệnh “thừa thịt”, khiến mỗi năm mấy lần chị phải mang đi xẻo bớt để cháu được sống. Số lần đi viện chị không nhớ nổi, nơi xa gần chị đều tìm đến, còn tiền bạc bỏ bỏ ra để chữa cho cháu đến nay chị không thể thống kê được. Thế mà tất cả mỗi một mình chị lo, kèm thêm tiền ăn học của cháu lớn năm nay đang học lớp 12 thêm trĩu nặng đôi vai gầy.

Chị Quế khuôn mặt buồn như đưa đám kể tường tận số phận bị đát của đứa con mình. Khi Bùi Nhật Minh Tiến vừa chào đời, thì tai họa dồn dập đổ xuống. Vừa sinh con được 3 ngày thì bà ngoại đột nhiên mất. Đến khi xong lễ tang mẹ, người chồng cũng chẳng ngó ngàng, suốt ngày bỏ đi đá gà còn về nhà lôi chị ra đánh đập. Hạnh phúc gia đình chao đảo khi vợ chồng quyết định đưa ra tòa ly hôn, lúc ấy Minh Tiến mới 11 tháng tuổi. Trước tòa, người chồng biết gia cảnh vợ nghèo xơ xác nhưng vẫn yêu cầu đưa 10 triệu, mới chấp nhận buông tha chị. Gom mượn anh em, hàng xóm, đưa đủ tiền, người chồng ôm con gà bước ra khỏi nhà lạnh lùng tuyên bố câu trắng phớ: “Tao thà thà bỏ vợ chứ không bỏ gà”.

Từ đó, đêm đêm trong mái lều vắng người đàn ông chỉ còn ba mẹ con côi cút. Mỗi lần gió bão căn nhà dột nát ấy lại chao đảo, mẹ con chị chỉ còn biết co ro ôm nhau để chống cái mưa, cái rét. Tất cả gánh nặng dồn lên đôi vai gày yếu của chị. Chị đã phải vừa làm mẹ, vừa làm cha, nuôi dạy các con khôn lớn. Thương các con sớm phải chịu cảnh thiếu cha, chị hết sức bù đắp. Chị có thể nhịn ăn, nhịn mặc nhưng nhất định không để các con thiếu thốn, thua kém chúng bạn. Để có thể nuôi ba miệng ăn, chị hằng ngày lặn lội thân cò đi khắp làng làm mướn kiếm sống. Tiến bắt đầu lâm bệnh nặng khi gần tròn 1 tuổi. Những cục nhọt hiện dần trên khuôn mặt, cánh tay, đầu, lưng…Đặc biệt mũi của Tiến bỗng xuất khối u ngày càng to, dài thêm. Chạy chữa khắp nơi, các bác sĩ sau nhiều lần tiến hành phẫu thuật nhưng bệnh nào thuyên giảm. Chị lại một mình lặn lội ôm con đi ngược khắp các tỉnh Long An, Bình Thuận, TP. HCM, Đồng Nai…vái tứ phương tìm thầy thuốc cứu chữa. Tiền mất tật mang, không những Tiến không khỏi bệnh, mà nợ nần chồng. Không có nghề nghiệp cố định, không nguồn thu nhập nào khác, chị gõ cửa từng nhà anh em, hàng xóm, thế chấp Ngân hàng vay mượn lo thuốc men cho con.

Nhưng Tiến vẫn vậy, càng lớn các khối u mọc lên từng cục quanh vành tai, sau lưng, khuỷa tay. Khắp cơ thể cậu bé 11 tuổi đến lúc này chằng chịt u nhọt, cá biệt có cục to như nắm bàn tay trẻ con. Sau lần mổ, cắt khối u, tình trạng lại tái diễn. Vì thế, đến giờ những việc đơn giản nhất như mặc quần áo, vệ sinh cá nhân, cậu bé không thể làm được, bởi các cơ không tài nào co duỗi thẳng. Kì dị nhất vẫn chính là chiếc mũi to, bành ra, miệng co rúm lại, không khác nào nhân vật “Trư Bát Giới” trong tác phẩm Tây Du Ký. Khuôn mặt xấu đã đành, ra đường em còn bị người khinh bĩ, gọi “đồ quái thai”, xa lánh. Vậy nhưng, bù lại, như hiểu được thân phận của mình, cậu bé lại quyết tâm học tập thật giỏi. 6 năm liền, Tiến đều đạt học sinh giỏi, xuất sắc của lớp. Hơn nữa, điều đặc biệt là tất cả đồ điện tử trong nhà nếu hư hỏng, cậu bé đều tự mày mò sữa chữa. Nhìn con gắng học, ngoan hiền, nỗi lo chị như được vơi dần và cảm thấy an ủi phần nào.

Vậy mà, mới đây tai ương lại đổ ập xuống. Trong lúc lao động quá sức, chị thấy cơ thể có nhiều biểu hiện đau nhức, tai ù hẳn. Qua chẩn khám, các bác sĩ kết luận chị bị đau khớp, không nên làm việc nặng. Không có tiền uống thuốc, chữa trị, chị đành lòng cắn răng ấp ủ bệnh, dành tiền để mua thuốc cho Tiến và gom góp chuẩn bị tiền cho đứa con gái năm nay bước vào cuối cấp 3.

Trong ngôi nhà ẩm thấp, không gì giá trị, cậu bé Bùi Nhật Minh Tiến nằm vắt vẻo trên chiếc võng sờn cũ. Tiến có đôi mắt hồn nhiên tinh nghịch của trẻ thơ. Thoạt nhìn qua ánh mắt biết cười của cậu bé, chúng tôi không thể tin rằng, bao năm qua Tiến phải gồng mình chống chọi với căn bệnh y học ở Việt Nam chưa tìm ra cách chữa trị . “Bao năm qua con bạo bệnh, người chồng cũng phó mặc không một lời hỏi thăm, gia đình bên nội cũng chưa một lần tìm đến thăm cháu. Có đêm buồn nghĩ suy về phận đời hẩm hiu, thương hai con tôi hết hát rồi cười, khóc như một người mất trí. Những lúc như thế tôi chỉ muốn chết quách đi cho xong một kiếp người, nhưng nghĩ tới hai đứa con là lại không thể làm thế được. Mình đi rồi chúng nó trông vào đâu?”- chị Quế nói rồi lại ngồi như hoá đá.

Tột cùng bất hạnh

Cuộc đời của chị Quế cho đến giờ vẫn là một chuỗi dài những bất hạnh, truân chuyên nối tiếp nhau. Thuở hồng son, chị Quế cũng thuộc diện xinh đẹp có tiếng, được bao chàng trai ngỏ lời nhưng chẳng hiểu duyên cớ đưa đẩy thế nào, qua mai mối chị gặp H, chồng chị sau này ly hôn, quê tận huyện Long Khánh (Đồng Nai). Cả hai vợ chồng cưới nhau xong, dắt díu về ở huyện Châu Đức cạo mũ cao su. Thời ấy kinh tế rất khó khăn, xoay sở cho một gia đình ba miệng ăn lại càng khó khăn hơn nữa. Vợ chồng chị lao động quần quật từ sáng sớm tới tối mịt mà vẫn chẳng đủ nuôi con. Đồng lương công nhân ba cọc ba đồng chẳng đủ để đong gạo, anh chị phải nhận thêm việc về nhà làm. Cuộc sống bầm dập bữa đói no nhưng chị cam chịu chấp nhận. Thế nhưng, giông tố bắt đầu đổ ập xuống gia đình bé nhỏ từ khi chồng chị nghỉ việc, theo bạn bè “mê đá gà hơn việc nhà”. Những trận sát phạt khiến người chồng quên hết tất cả, bỏ mặc vợ lo toan cuộc sống thường nhật.

Nếu thế thì còn chấp nhận được, đằng này mỗi lần thua độ, người chồng trở về nhà đòi vợ đưa tiền đi chơi tiếp. Lần đầu chị còn cắn rang móc túi đưa cho mấy trăm, sau này tần suất đòi tiền mỗi ngày một lớn dần, chị chịu không nổi, tìm cớ thoái thác. “Mỗi lần bị từ chối, ông ấy lại thượng cẳng chân hạ cẳng tay không thương tiếc. Có khi vừa đi làm về, chưa kịp lau mướt mồ hôi, đã bị đòi tiền. Cực nhất là đến bữa cơm, hai mẹ con vừa dọn mâm ra, đã bị chồng đá xoong, nồi, bát, đĩa bay chỏng chơ. Con gái khóc ngặt vì sợ”- chị Quế giấu nước mắt nhớ lại. 12 năm, kể từ lúc Tiến chào đời, chị cũng không nhớ rõ mình đã đi bao nhiêu lần gõ cửa bệnh viện, lang y cầu cứu bao nhiêu thầy thuốc nhưng căn bệnh vẫn còn đó, như thêm xát muối vào nỗi đau cùng cực của chị. Trong khi con chưa khỏi bệnh, gánh nặng ngân hàng đè nặng, đáo hạn chưa kịp trả, chị lại phải lo tiền thuốc men, viện phí điều trị căn bệnh đau khớp, thủng màng nhỉ của mình. Giờ trong căn nhà rộng chừng 30m2 ấy, cả 2 người bệnh bám tựa vào nhau mà sống. Theo những người hàng xóm, sinh hoạt cả gia đình chị Quế hết sức khó khăn. Chuyện ăn mì gói thay cơm là chuyện không lạ đối với cả gia đình 3 người. Nhiều người còn cho biết tình cảnh ngặt nghèo của cả gia đình kéo dài đã nhiều năm nay. Nghĩ tình chòm xóm, bà con nhiều lần giúp đỡ khi chén cơm, khi tấm bánh nhưng cũng chẳng thấm vào đâu bởi cái nghèo cứ triền miên quanh quẩn với các mảnh đời cơ cực.

Nhìn lại căn nhà, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Những tấm ngói chệch choạch không đủ che mưa nắng đang oằn mình trên những thanh rui mè mục nát chỉ chờ đổ sập. Bốn bức tường loang lổ nứt nẻ. Rồi đây, cả gia đình chưa biết trôi về đâu, khi ngân hàng liên tục đòi nợ, siết nhà mà đứa con vẫn hoài bạo bệnh.

 

 

Chị Quế cho biết mặc dù bị bệnh nặng nhưng cháu Minh Tiến vẫn rất lạc quan, không mặc cảm bản thân , rất ham học và đặc biệt rât thương mẹ . bác sỹ bảo con chị bị ung thư sợi thần kinh, để phẫu thuật phải mất khoản tiền 800.000 USD, và phải phẫu thuật ở nước ngoài, số tiền mà trong mơ chị cũng không dám tưởng tượng. Đến giờ chị chỉ biết vạ vật kiếm tiền để đưa con đi bệnh viện trên TP. HCM để cắt đi những đụn thịt thừa, chứ không mong chờ gì cháu được khỏi bệnh. Thế nhưng mỗi lần đi cắt rất tốn kém, chị đều phải vay mượn. Chị cũng chỉ biết trông chờ vào lòng hão tâm của mọi người từ khắp nơi, chia sẻ bớt nỗi bất hạnh của chị. Mọi sự giúp đỡ theo số ĐT: 0163.653.0249, ĐC Nguyễn Thị Quế: tổ 8, ấp Đức Trung, xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.Để hiểu rỏ hơn xin quý vị liên lạc PT Tịnh Long, số điện thoại :0937 469 174

Phật tử Tịnh Long thiết tha kêu gọi những tấm lòng hão tâm mọi người, sau đây là một số tấm hình chụp tại nhà cháu :

L1270640 FILEminimizer

L1270665 FILEminimizer

L1270655 FILEminimizer

L1270664 FILEminimizer

Ngày 01-09-2012